Cách 'vua tiêu' sản xuất và kinh doanh cà phê đặc sản
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group bên dòng cà phê mới ra mắt. Ảnh: PV
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group chia sẻ, mới đây tự thân ông đã mang Honey and Natural Specialty đi sự kiện cà phê đặc sản Chicago (Nhật Bản) và được nhiều khách hàng yêu thích, mua dùng.
Sản phẩm được bán với giá 14 USD/250gr và đã bán hết trong 2 ngày đầu. Sau sự kiện, Phúc Sinh nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ khách hàng quốc tế. Đến hiện tại, công ty chỉ còn vài trăm ký Honey and Natural Specialty để bán trong thị trường nội địa.
Theo ông Thông, để chế biến loại cà phê ngon Blue Sơn La từ quả tươi, ta cần khoảng 4 ngày nhưng với cà phê đặc sản, cần 2 đến 3 tuần mới xong một mẻ. Từ 6000 tấn cà phê Blue Sơn La Arabica, Phúc Sinh chỉ làm được 6 tấn cà phê đặc sản Honey và Natural Specialty.
"Sản xuất và kinh doanh Specialty Coffee là không dễ, những người sản xuất và người bán hàng đều cần kiên trì và nhẫn nại. Quy trình sản xuất gắt gao, khâu bán hàng cũng không hể dễ. Chúng tôi phải mất nhiều năm để gửi mẫu thử cho khách hàng trên khắp thế giới để họ "nếm" và chấp nhận. Dù Phúc Sinh đã có gần 20 năm kinh doanh cà phê nhưng đây vẫn là một hành trình gian nan. 5 năm đầu "đem chuông đi đánh xứ người" thật khó nhưng đến năm thứ 6, những mẻ hàng cà phê đặc sản Honey and Natural Specialty đã được khách hàng chấp nhận và đặt số lượng lớn với giá rất tốt", vị CEO nhấn mạnh.
Ông Thông phân tích thêm, cái khó của người chế biến cà phê đặc sản là phải nghiên cứu và hiểu đặc tính hạt cà phê của từng vùng miền và chế biến theo phương thức phù hợp nhất để đẩy mạnh đặc tính tốt của hạt cà phê. Quan trọng hơn là khâu hái lựa trái chín 100%, chỉ cần lẫn cà phê chưa chín vào có thể làm hư cả một mẻ chế biến. Phương thức chế biến cà phê đặc sản đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhiều công sức và thời gian hơn bình thường. Vì chế biến theo cách thủ công nên sẽ không làm được nhiều vì trong quá trình chế biến (từ 10-30 ngày), người chế biến phải kiểm tra liên tục 24/7 để kiểm soát chất lượng cà phê.
"Với dây chuyền công nghệ Colombia và nhà máy chế biến của Phúc Sinh đã liên tiếp tung ra thị trường những dòng arabica ngon hơn, chất lượng hơn cách truyền thống và giá cũng cao hơn. Vì thế thời gian qua, Phúc Sinh liên tục phá vỡ truyền thống cà phê giá rẻ và bị cô lập. Tuy nhiên chúng tôi vẫn sẽ kiên trì với lựa chọn nâng cấp và mang giá trị cà phê thực đến với người dùng không chỉ quốc tế mà cả nội địa", Chủ tịch Phúc Sinh khẳng định.
Đổ hàng trăm tỷ đầu tư vùng nguyên liệu, nhà máy sản xuất
Bởi cà phê đặc sản là một loại cà phê hoặc trải nghiệm cà phê được công nhận nhờ các thuộc tính đặc biệt của nó. Các thuộc tính này có thể bao gồm hương vị, độ chua, độ ngọt, độ cân bằng, và độ sạch. Khi cà phê có các thuộc tính đặc biệt, nó sẽ có giá trị gia tăng đáng kể trên thị trường.
"Cà phê đặc sản của mỗi vùng miền đều khác nhau và riêng biệt, không thể "bắt chước" được. Cà phê Sơn La sẽ có vị đặc trưng, khác biệt so với cà phê ở Cầu Đất, Quảng Trị hay ngay cả vùng đất lân cận Điện Biên. Cùng 1 loại cà phê nhưng nếu chế biến khô có thể mang đến hương trái cây nhiệt đới, xoài, chocolate, còn chế biết bán ướt (honey) thì đem đến hương mật ong, chanh, caramel, hậu vị ngọt", Chủ tịch Phúc Sinh Group cho biết.
Hơn nữa cà phê đặc sản thường được đánh giá theo tiêu chuẩn được xây dựng bởi tổ chức Cà phê Đặc sản thế giới (SCA - Specialty Coffee Assotiation). Đây được coi là tiếng nói chung của ngành cà phê đặc sản thế giới, được đóng góp và đánh giá bởi rất nhiều chuyên gia cà phê từ nhiều nước trên thế giới. Cà phê đặc sản cần được các chuyên gia đánh giá qua nhiều vòng chấm điểm, vừa kiểm tra thể chất, vừa đánh giá hương vị và tìm ra cái nổi trội của loại cà phê đó. Trên 80 điểm được đánh giá là cà phê đặc sản và điểm càng cao tức là càng đặc biệt.
"Sản xuất cà phê cần phải có nhiều tình yêu và sự kiên trì và may mắn nữa. Chúng tôi đã có những lúc vô cùng khó khăn và đầy thách thức, nhưng bằng tình yêu dành cho cà phê và những vùng đất chúng tôi xây nhà máy chúng tôi đã kiên trì vượt qua các thách thức để mang tới những hạt cà phê chất lượng tuyệt hảo cho người Việt nam và người tiêu dùng trên toàn thế giới", ông Thông tự hào.
Từ vài năm trước, "vua tiêu" đã đổ hàng trăm tỷ đồng đầu tư không chỉ vùng trồng mà còn nhà máy chế biến sản xuất cà phê tại Sơn La bởi nhận định đây được coi là vùng trồng Arabica lớn và chất lượng thứ 2 cả nước.
Từng nhận định, với sức sống tốt, không phải chịu cảnh cao nguyên khô hạn khi vào mùa, nên cà phê Arabica nơi đây có vị ngon đặc biệt. Sau khi rang xay, hạt cà phê toát ra mùi nồng của gỗ lâu năm và mùi chua thanh của trái cây rừng rất đặc trưng sau khi ủ nước nóng. Chính vì những đặc điểm nội trội này ông Thông đã liên kết với nhiều hộ dân tại đây để hỗ trợ các hộ sản xuất, nông dân để cùng với người trồng cà phê thực hiện các yêu cầu của chuẩn UTZ (chứng nhận canh tác bền vững).