Để nông sản kể câu chuyện về con người, văn hóa Việt
Năm 2024 được coi là năm thành công lớn của nông sản Việt Nam. Với trên 62 tỷ USD, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đã vượt xa cả kỳ vọng Chính phủ, ngành nông nghiệp đã đặt ra từ 54 - 55 tỷ USD. Đóng góp vào thành công chung trên của ngành nông nghiệp đó là các mặt hàng như: gạo, cà phê, rau quả… với những dấu mốc kỷ lục mới.
Trải lòng về kết quả này, vua hồ tiêu Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc công ty cổ phẩn Phúc Sinh, Nhà sáng lập Phúc Sinh Group, một trong những doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu Việt Nam tự hào khẳng định: Năm 2024 thực sự là một năm đặc biệt với ngành nông nghiệp Việt Nam. Con số 62 tỷ USD mà nông lâm thủy sản đạt được không chỉ là minh chứng cho sức mạnh mà còn khẳng định tiềm năng của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
- Liệu những thành tích trên có đang được ngợi ca quá mức không, khi mà phần lớn nông sản Việt được xuất khẩu vẫn chỉ là xuất khẩu dưới dạng thô, thưa ông?
Vua hồ tiêu Phan Minh Thông: Thành công này đến từ chiến lược phát triển bền vững mà Chính phủ, các doanh nghiệp, và người nông dân đã kiên trì theo đuổi. Chúng ta không chỉ xuất khẩu số lượng, mà còn tập trung vào chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Các sản phẩm như gạo, cà phê, và rau quả đã chứng minh điều đó khi ngày càng được ưa chuộng tại những thị trường khó tính như EU, Mỹ, và Nhật Bản.
Đối với mặt hàng cà phê, một trong những thế mạnh của Phúc Sinh, tôi thấy rất tự hào vì không chỉ khối lượng mà giá trị xuất khẩu cũng tăng trưởng mạnh mẽ với 320 triệu USD và tăng 40% doanh thu, xuất khẩu tại 102 nước trên thế giới. Điều này là kết quả của việc đầu tư vào các sản phẩm chất lượng cao như cà phê hữu cơ, đạt chứng nhận Rainforest Alliance (RA). Cà phê không chỉ đơn thuần là hàng hóa mà còn đại diện cho sự nỗ lực của hàng triệu nông dân, đặc biệt là ở các vùng Sơn La, Đắk Lắk.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nông sản Việt còn nhờ vào việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, RCEP. Những hiệp định này giúp chúng ta tiếp cận nhiều thị trường hơn với mức thuế ưu đãi, tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể.
Tuy nhiên, điều khiến tôi ấn tượng nhất là tư duy thay đổi của cả doanh nghiệp lẫn người nông dân. Họ không còn sản xuất theo kiểu “ăn xổi,” mà đã chuyển sang mô hình sản xuất bền vững, tập trung vào chất lượng, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc. Đây chính là con đường đúng đắn để nông sản Việt Nam vươn xa và khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới.
Năm 2024 là một năm thành công và cũng là động lực để chúng ta tiếp tục đổi mới, sáng tạo và bền bỉ hơn trong tương lai. Nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những mốc cao hơn nữa, miễn là chúng ta giữ được sự đồng lòng và quyết tâm như hiện tại.
Và đáng tự hào hơn nữa là nếu nhìn xa hơn vào chặng đường phát triển của nông sản Việt Nam trong những thập kỷ qua, tôi thấy đó là một hành trình thay đổi đáng kinh ngạc, từ cách chúng ta sản xuất, xuất khẩu đến cách thế giới nhìn nhận giá trị của nông sản Việt.
- Vậy, hành trình kinh ngạc đó đã diễn ra như thế nào, thưa ông?
Vua hồ tiêu Phan Minh Thông: Trước đây, nông sản Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô, giá trị gia tăng thấp, và phụ thuộc nhiều vào các nhà thu mua quốc tế. Nhưng hiện nay, nông sản Việt đã khẳng định được vị thế rõ nét hơn trên bản đồ thế giới. Chúng ta không chỉ xuất khẩu số lượng lớn mà còn từng bước chuyển mình sang các sản phẩm chế biến sâu, đạt tiêu chuẩn quốc tế, mang thương hiệu Việt và có giá trị cao hơn nhiều lần.Ví dụ điển hình là ngành hồ tiêu - vốn được gọi là "vua" của nông sản Việt. Việt Nam không chỉ giữ vững ngôi vị số 1 về sản lượng xuất khẩu hồ tiêu mà còn đang dẫn đầu trong việc phát triển các sản phẩm hồ tiêu hữu cơ, tiêu sạch đạt chuẩn châu Âu, Mỹ. Những hạt tiêu từ Phúc Sinh hay các doanh nghiệp Việt khác đã xuất hiện trên kệ siêu thị ở các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản với thương hiệu rõ ràng, thay vì chỉ đóng vai trò là nguồn cung nguyên liệu.
Cà phê cũng là một ví dụ rõ nét. Việt Nam đã vượt ra khỏi hình ảnh là nhà xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Chúng ta đã có những sản phẩm Arabica cao cấp, được canh tác ở vùng núi cao như Sơn La, đạt chứng nhận Rainforest Alliance (RA) với chất lượng không thua kém bất kỳ quốc gia nào. Đặc biệt, thương hiệu cà phê Việt Nam đang dần trở thành niềm tự hào, gắn liền với văn hóa và bản sắc của đất nước.
Ngoài ra, các ngành hàng khác như gạo, trái cây, và thủy sản cũng đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Chúng ta đã xuất khẩu được gạo thương hiệu cao cấp, trái cây nhiệt đới tươi ngon như xoài, nhãn, sầu riêng sang những thị trường khắt khe như Mỹ, Australia và EU. Đây là minh chứng cho sự thay đổi toàn diện, từ khâu sản xuất, bảo quản đến xây dựng thương hiệu và đàm phán thị trường.
Tuy nhiên, tôi thấy sự thay đổi lớn nhất nằm ở nhận thức và tư duy. Người nông dân đã ý thức hơn về sản xuất bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, truy xuất nguồn gốc và hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn. Các doanh nghiệp Việt cũng đã chuyển từ làm gia công sang xây dựng thương hiệu, định vị sản phẩm trên thị trường toàn cầu.
Nhìn về tương lai, tôi tin rằng nông sản Việt Nam không chỉ được thế giới biết đến về sản lượng mà còn về chất lượng, giá trị, và ý nghĩa. Những sản phẩm của chúng ta không chỉ là hàng hóa, mà còn kể câu chuyện về con người, văn hóa và tinh thần bền bỉ của Việt Nam. Đây chính là sức mạnh giúp nông sản Việt ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới.
Nhưng, để có được những thành tích ấy, nông nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp nông nghiệp nói chung đã thực sự trải qua rất nhiều khó khăn.
Các doanh nghiệp Việt cũng đã chuyển từ làm gia công sang xây dựng thương hiệu, định vị sản phẩm trên thị trường toàn cầu.
- Đó là những khó khăn nào, thưa ông?
Vua hồ tiêu Phan Minh Thông: Khó khăn đầu tiên là biến động giá cả trên thị trường thế giới. Ví dụ như với doanh nghiệp tôi, điều mà chúng tôi phải đối diện nằm ở mặt hàng hồ tiêu. Hồ tiêu là mặt hàng có giá trị cao nhưng cũng chịu tác động lớn từ biến động thị trường. Giá cả có thể thay đổi bất ngờ do cung cầu, biến động tài chính quốc tế, hoặc yếu tố thời tiết tại các nước sản xuất lớn.
Tiếp đó chính là việc đáp ứng các rào cản kỹ thuật và tiêu chuẩn khắt khe. Các thị trường lớn như EU và Mỹ thường xuyên thay đổi tiêu chuẩn kỹ thuật về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc, và quy trình sản xuất. Đây là thách thức lớn khi doanh nghiệp phải đầu tư không nhỏ để đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nông nghiệp cũng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ lớn trên thị trường. Mặc dù, Việt Nam dẫn đầu về sản lượng nhưng các nước khác như Ấn Độ, Brazil, và Indonesia vẫn là đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Họ không chỉ cạnh tranh về giá mà còn đầu tư mạnh vào chất lượng và thương hiệu.
Tiếp đó là chi phí logistics tăng cao, giá cước vận chuyển quốc tế, đặc biệt trong các năm gần đây, là một gánh nặng lớn. Các doanh nghiệp như chúng tôi phải tìm cách tối ưu chi phí nhưng vẫn đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng đúng tiến độ và chất lượng.
Cuối cùng là vấn đề thị trường, hồ tiêu Việt Nam từng chịu tiếng là giá rẻ và chưa đồng nhất về chất lượng. Dù những năm gần đây chúng tôi đã cải thiện rất nhiều, nhưng để thay đổi định kiến này ở một số thị trường vẫn cần thời gian và nỗ lực dài hơi.
Bản thân tôi, sau nhiều năm kinh doanh cũng đã có nhiều bài học đắt giá, kể cả là về thành công cũng như thất bại.
Nhưng, sau tất cả, tôi vẫn tin rằng, với tư duy đổi mới và chiến lược phát triển bền vững, nông nghiệp Việt Nam nói chung, lĩnh vực hồ tiêu và các doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng sẽ tiếp tục giữ vững vị thế và chinh phục thêm nhiều đỉnh cao mới trên thị trường quốc tế.
- Ông có nói, ông đã có nhiều bài học trong kinh doanh, kể cả là thành công cũng như thất bại. Vậy kỷ niệm nào trong kinh doanh khiến ông nhớ nhất?
Vua hồ tiêu Phan Minh Thông: Trong hành trình kinh doanh hơn 20 năm qua, tôi đã trải qua không ít thăng trầm và chứng kiến nhiều câu chuyện đáng nhớ. Một trong những câu chuyện mà tôi luôn ghi nhớ là về biến động giá hồ tiêu năm 2015-2017 – giai đoạn mà ngành hồ tiêu Việt Nam rơi vào một “cơn sốt” chưa từng có, và cũng là bài học đắt giá cho chính tôi và nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Còn nhớ, vào giai đoạn năm 2015, giá hồ tiêu thế giới tăng vọt, có thời điểm lên tới 250.000-270.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất lịch sử mà ngành hồ tiêu từng chứng kiến. Lúc ấy, không chỉ doanh nghiệp mà cả nông dân và các nhà đầu tư đều lao vào trồng tiêu, gom tiêu với hy vọng thu lợi lớn. Rất nhiều người đặt kỳ vọng rằng giá sẽ tiếp tục tăng, và chính tâm lý này đã tạo nên một cuộc đua vô cùng rủi ro.
Tuy nhiên, đến năm 2017, giá hồ tiêu bất ngờ lao dốc, chỉ còn khoảng 60.000-70.000 đồng/kg, tức là giảm tới hơn 70% giá trị. Nguyên nhân chính là do nguồn cung vượt cầu nghiêm trọng khi diện tích trồng tiêu tăng quá mức không kiểm soát, trong khi thị trường tiêu thụ không thể hấp thụ lượng cung khổng lồ ấy. Đây là thời điểm khó khăn nhất mà ngành hồ tiêu từng đối mặt.
Phúc Sinh cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Khi giá tiêu giảm mạnh, tồn kho lớn đồng nghĩa với việc chúng tôi phải gánh lỗ. Nhưng điều khiến tôi nhớ nhất chính là tình cảnh của hàng nghìn nông dân. Nhiều gia đình đã vay vốn ngân hàng để mở rộng diện tích trồng tiêu, nhưng khi giá giảm sâu, họ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Một số thậm chí phải bán đất, bán nhà để trả nợ.
Bài học lớn nhất tôi rút ra từ câu chuyện này là không nên chạy theo lợi nhuận ngắn hạn mà không có chiến lược bền vững sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài. Khi giá thị trường tăng, chúng ta cần giữ sự bình tĩnh và tỉnh táo, thay vì bị cuốn theo "cơn sốt" mà mất kiểm soát.
Thời điểm đó, thay vì chỉ tập trung bán ra để cắt lỗ, tôi quyết định đầu tư mạnh hơn vào chế biến sâu và tìm kiếm thị trường mới. Chúng tôi phát triển các sản phẩm tiêu trắng, tiêu xay tiệt trùng và tiêu hữu cơ, sốt tiêu xanh độc quyền của Phúc Sinh chiếm 40% thị phần Châu Âu, dễ dàng tiếp cận thị trường cao cấp, nơi giá trị gia tăng không bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động giá nguyên liệu. Đồng thời, Phúc Sinh cũng hợp tác với nông dân để hướng dẫn họ chuyển đổi sang canh tác bền vững, giảm phụ thuộc vào hóa chất và nâng cao chất lượng.
Những bước đi đó không chỉ giúp chúng tôi vượt qua khủng hoảng, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển dài hạn. Đến nay, hồ tiêu của Phúc Sinh đã có mặt tại hơn 102 quốc gia, và chúng tôi tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong nâng tầm giá trị hồ tiêu Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Kinh doanh không bao giờ là con đường bằng phẳng. Thăng trầm là điều không tránh khỏi, nhưng điều quan trọng là bạn phải biết thích nghi, đổi mới và kiên trì. Với tôi, mỗi lần đối mặt với khó khăn là một lần để học hỏi và trưởng thành hơn. Chính những bài học từ quá khứ đã giúp tôi có thêm bản lĩnh để vững vàng trong hiện tại và hướng tới tương lai.
- Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng vậy, rủi ro sẽ luôn đi cùng cơ hội, thưa ông?
Vua hồ tiêu Phan Minh Thông: Là một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất Việt Nam, tôi nhận thấy rằng việc đưa hồ tiêu Việt Nam ra thị trường quốc tế luôn là một hành trình vừa đầy thách thức, vừa ngập tràn cơ hội. Tôi tin rằng những khó khăn và thuận lợi mà chúng tôi đối mặt không chỉ riêng cho ngành hồ tiêu mà còn phản ánh phần nào bức tranh chung của nông sản xuất khẩu.
Hiện nay, Việt Nam hiện nay vẫn giữ vị trí số 1 về sản lượng và xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu. Điều này tạo lợi thế rất lớn trong việc thương thảo với đối tác quốc tế, đặc biệt là các thị trường lớn như EU, Mỹ, và Trung Đông.
Về mặt chất lượng ngày càng cải thiện, doanh nghiệp và người nông dân đã dần chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống sang sản xuất sạch và bền vững. Hồ tiêu đạt các tiêu chuẩn quốc tế như: Rainforest Alliance (RA), và GlobalGAP giúp sản phẩm của chúng tôi tiếp cận dễ dàng hơn với những thị trường khắt khe nhất.
Tiếp đó, các hiệp định như EVFTA, CPTPP hay RCEP đã giảm đáng kể thuế quan đối với hàng nông sản Việt Nam, mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho hồ tiêu Việt khi so với các nước khác.
Ngoài ra, việc đầu tư vào chế biến sâu và xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp đã mang lại rất nhiều giá trị cho bản thân doanh nghiệp nói riêng và cho nông sản nói chung. Với Phúc Sinh không chỉ xuất khẩu tiêu thô mà còn phát triển các sản phẩm tiêu chế biến sâu, như tiêu xay, tiêu trắng, và tiêu đóng gói cao cấp, với thương hiệu K Pepper bởi Phúc Sinh. Điều này giúp nâng cao giá trị gia tăng và giảm sự phụ thuộc vào giá cả thị trường thế giới.
- Quay trở lại với bối cảnh hiện tại, theo ông hiện nay sẽ có những cơ hội nào mở ra cho nông sản Việt, thưa ông?
Vua hồ tiêu Phan Minh Thông: Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang đối mặt với những biến động lớn như biến đổi khí hậu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, và nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm an toàn, tôi tin rằng nông sản Việt Nam và ngành nông nghiệp nói chung đang đứng trước những cơ hội vô cùng lớn để bứt phá.
Đầu tiên là với xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững, người tiêu dùng trên toàn cầu ngày càng ưu tiên các sản phẩm sạch, hữu cơ và bền vững. Đây là cơ hội để nông sản Việt Nam khẳng định vị thế, bởi chúng ta đang có lợi thế rất lớn trong việc phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế như Rainforest Alliance (RA), và GlobalGAP. Với sự đầu tư vào các mô hình canh tác bền vững, nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu này, từ gạo, cà phê, hồ tiêu đến trái cây nhiệt đới.
Theo là cơ hội tới từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Việt Nam hiện là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng như EVFTA, CPTPP, và RCEP. Những FTA này đã mở cửa rất nhiều thị trường lớn, giảm hoặc xóa bỏ thuế quan cho nông sản xuất khẩu. Với các ưu đãi này, chúng ta có thể tiếp cận sâu hơn vào những thị trường khắt khe như EU, Nhật Bản, và Canada. Đây là một động lực lớn để ngành nông nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, không chỉ về số lượng mà còn về giá trị.
Tiếp đó là cơ hội từ chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại. Cách mạng công nghệ 4.0 đang tạo ra một làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp. Các công nghệ như IOT, blockchain, và dữ liệu lớn (big data) giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, truy xuất nguồn gốc, và quản lý chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, blockchain đang trở thành xu hướng không thể thiếu trong việc đảm bảo tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc – yếu tố mà thị trường quốc tế ngày càng coi trọng. Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để nâng cao niềm tin từ khách hàng toàn cầu.
Thay vì chỉ xuất khẩu hạt tiêu thô, Phúc Sinh đã tập trung vào sản xuất tiêu xay, tiêu trắng, và các sản phẩm đóng gói cao cấp.Bên cạnh đó, quá trình đầu tư vào chế biến sâu cũng mang lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội. Một điểm yếu cố hữu của nông sản Việt Nam là xuất khẩu thô, dẫn đến giá trị gia tăng thấp.
Tuy nhiên, với sự chuyển dịch trong tư duy của nhiều doanh nghiệp, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành chế biến sâu. Ví dụ, thay vì chỉ xuất khẩu hạt tiêu thô, Phúc Sinh đã tập trung vào sản xuất tiêu xay, tiêu trắng, và các sản phẩm đóng gói cao cấp. Đây là con đường tất yếu để nâng cao giá trị và giảm phụ thuộc vào giá cả nguyên liệu thô trên thị trường thế giới.
Cùng với đó là xu hướng tiêu thụ nông sản châu Á khi kinh tế các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, và ASEAN đang phát triển mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm nông sản chất lượng. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam khi các nước trong khu vực thường ưa chuộng các sản phẩm nhiệt đới, trong đó nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và khoảng cách vận chuyển.
Cuối cùng là cơ hội từ phát triển kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp xanh mang lại. Thế giới đang hướng tới các mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Với nền tảng là một nước nông nghiệp, Việt Nam có thể tận dụng tối đa nguồn tài nguyên để xây dựng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, như sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ hoặc năng lượng sinh học. Phúc Sinh đã áp dụng mô hình này trong chuỗi giá trị cà phê và hồ tiêu, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn gia tăng giá trị sản phẩm.
- Vậy, để tránh những rủi ro và khó khăn như ông nói, theo ông, khi xuất khẩu ra quốc tế, đâu là điều quan trọng nhất cần lưu tâm?
Vua hồ tiêu Phan Minh Thông: Khi xuất khẩu ra quốc tế, có rất nhiều yếu tố cần lưu tâm để giảm thiểu rủi ro và khó khăn. Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất chính là chất lượng sản phẩm và khả năng duy trì tính ổn định trong sản xuất. Đây là yếu tố quyết định không chỉ về giá trị gia tăng mà còn về sự bền vững trong quá trình xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường quốc tế.
Đảm bảo chất lượng đồng nhất và truy xuất nguồn gốc: Người tiêu dùng quốc tế, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, hay Mỹ, luôn yêu cầu sản phẩm có chất lượng cao và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây không chỉ là vấn đề về tiêu chuẩn sản phẩm mà còn về môi trường sản xuất. Chính vì vậy, các chứng nhận quốc tế như GlobalGAP, RA,...là cần thiết để gia tăng sự tin tưởng từ các đối tác và khách hàng.
Tôi cũng cho rằng doanh nghiệp cũng phải hiểu rõ nhu cầu và yêu cầu của thị trường quốc tế bởi mỗi thị trường quốc tế có những yêu cầu rất khác biệt, từ chất lượng sản phẩm, bao bì, đến các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và môi trường. Nếu không hiểu rõ những yêu cầu này, việc xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, tại các thị trường châu Âu, khách hàng rất chú trọng đến sản phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường, trong khi ở các thị trường Trung Đông, yêu cầu về sự ổn định trong chuỗi cung ứng và mức giá cạnh tranh lại quan trọng hơn.
Do đó, việc nghiên cứu kỹ về từng thị trường, từ thói quen tiêu dùng đến các quy định, là rất quan trọng. Phúc Sinh đã luôn chú trọng vào việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với các đối tác quốc tế, thường xuyên tham gia các triển lãm, hội chợ để tiếp cận thông tin mới nhất và hiểu rõ hơn về nhu cầu của thị trường.
Tiếp đó là việc duy trì chuỗi cung ứng ổn định. Đây là câu chuyện của tất các các doanh nghiệp nói chung. Với Phúc Sinh, chúng tôi luôn chú trọng việc xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững, bao gồm việc hợp tác chặt chẽ với nông dân để nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm.
Đồng thời, chúng tôi cũng chủ động dự báo các yếu tố rủi ro và có kế hoạch dự phòng để đảm bảo rằng sản phẩm đến tay khách hàng đúng thời gian và đúng chất lượng.
Tiếp đó là vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Thương hiệu là tài sản vô giá trong quá trình xuất khẩu, vì nó giúp tạo dựng lòng tin của khách hàng. Việc đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu, từ logo, bao bì, đến câu chuyện sản phẩm sẽ giúp nông sản Việt Nam dễ dàng chinh phục được người tiêu dùng quốc tế. Bảo vệ thương hiệu cũng là một vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường cạnh tranh cao.
Cuối cùng, một yếu tố quan trọng không kém là khả năng linh hoạt và sáng tạo để thích ứng với những thay đổi bất ngờ của thị trường. Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, như chúng ta đang chứng kiến với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và biến động giá cả, sự linh hoạt trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh là rất cần thiết.
Tôi luôn nhấn mạnh với đội ngũ của mình rằng, "biến động là cơ hội, không phải rủi ro." Chính trong những thời điểm khó khăn, chúng ta phải sáng tạo và tìm ra những hướng đi mới để phát triển bền vững. Và Phúc Sinh đã chứng minh điều này qua việc đầu tư vào chế biến sâu, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như tiêu trắng, tiêu xay, và các sản phẩm hữu cơ.
Khi xuất khẩu ra quốc tế, điều quan trọng nhất là phải luôn duy trì chất lượng sản phẩm, hiểu rõ nhu cầu thị trường, và xây dựng một chuỗi cung ứng ổn định.
Đồng thời, cần linh hoạt để ứng phó với những biến động không thể lường trước, và luôn bảo vệ và nâng cao giá trị thương hiệu. Chính những yếu tố này sẽ giúp chúng ta không chỉ đứng vững mà còn phát triển mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.
- Ông có kiến nghị như thế nào tới các cơ quan quản lý nhà nước để quá trình xuất khẩu của doanh nghiệp được thuận lợi?
Vua hồ tiêu Phan Minh Thông: Để quá trình xuất khẩu của các doanh nghiệp nông sản Việt Nam, đặc biệt là trong ngành hồ tiêu, thuận lợi và bền vững hơn, tôi mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các thị trường quốc tế: Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần được hỗ trợ mạnh mẽ hơn về việc tiếp cận thông tin thị trường, quy trình xuất khẩu, cũng như các quy định về tiêu chuẩn và chứng nhận quốc tế.
Tiếp đó, là đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải cách quy trình kiểm tra chất lượng. Một trong những khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu là hệ thống thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các quy trình kiểm tra chất lượng, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, và các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế. Các cơ quan quản lý nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu các bước trung gian, và số hóa quy trình kiểm tra, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở chế biến sâu và giá trị gia tăng: Chính phủ có thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn từ nguyên liệu nông sản.
Việc hỗ trợ về chính sách tín dụng, đào tạo nghề, và chuyển giao công nghệ chế biến sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Thúc đẩy phát triển bền vững và hỗ trợ sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics và vận chuyển, chính sách bảo vệ thương hiệu quốc gia và chống gian lận thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính cho xuất khẩu, thúc đẩy chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu
Chúng ta đang sống trong một thời đại toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ. Chính vì vậy, các chính sách của nhà nước cần phải đi kèm với sự đổi mới và linh hoạt để hỗ trợ các doanh nghiệp nông sản Việt Nam phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong nước mà còn ra thế giới.
Nếu chúng ta tạo ra một môi trường thuận lợi, hỗ trợ đúng mức, nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội vươn lên, khẳng định giá trị và chất lượng trên bản đồ nông sản toàn cầu.
Trân trọng cảm ơn ông!