Sơn La mở cửa nhà máy chế biến trà làm từ vỏ cà phê
(KTSG Online) – Lượng vỏ thải ra từ 10 tấn quả cà phê chín vốn chỉ bỏ đi nhưng hiện nay đã có thể chế biến thành 1 tấn trà cà phê thành phẩm mỗi ngày, trở thành sản phẩm mang về giá trị kinh tế và góp phần vào mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Dây chuyền sản xuất trà cascara tại Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La. Ảnh: Hoài YếnTrước đây gần như 100% vỏ quả cà phê được ủ làm phân bón, vật liệu đốt hoặc vứt đi. Các vùng trồng chuyên canh cà phê lớn phải đối mặt rất nhiều với vấn đề ô nhiễm từ quá trình thải vỏ quả cà phê. Tuy nhiên hiện nay vỏ cả phê đã được tận dụng, chế biến thành trà cà phê (cascara) với nhiều giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao. Đây là thông tin được ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh chia sẻ tại buổi vận hành dây chuyền chế biến trà cascara đầu tiên tại Việt Nam diễn ra ngày 21-10 tại Sơn La.
Theo ông Thông, công ty đã sản xuất trà cascara trong vài năm gần đây, sản lượng gần như đều xuất khẩu đến các nước Ý, Pháp và các nước châu Âu khác. Đến nay, công ty chính thức vận hành dây chuyền quy mô lớn để phục vụ thị trường nội địa và quốc tế.
Dây chuyền chế biến trà cascara được xây dựng từ tháng 8-2023, với công suất 10 tấn quả chín/ngày, tương đương 1 tấn trà thành phẩm/ngày. Dây chuyền gồm hệ thống rửa quả, tách vỏ, sấy khử UV; hệ thống sấy lạnh đa chức năng; hệ thống đóng gói tự động. Nguyên liệu để sản xuất trà là vỏ cà phê chín từ những vườn cà phê nằm trong dự án cà phê bền vững Rainforest Alliance (RA), vùng cà phê công nghệ cao của tỉnh Sơn La.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết thông qua việc đưa vào vận hành dây chuyền chế biến trà cascara, địa phương muốn quảng bá, cung cấp các thông tin cụ thể về sản phẩm trà cascara Sơn La tới doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từ đó, thu hút các doanh nghiệp, nhà máy chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung và sản phẩm trà cascara nói riêng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.