Thực hư "Vua tiêu" Phúc Sinh bị tố gian dối, gây thua lỗ 7 triệu USD trong cuốn "Nông sản Việt Nam và thế giới"
Những dòng chữ trong một email (thư điện tử) tố cáo "Vua tiêu" David Phan làm ăn gian dối, chỉ đạo thuộc cấp bán khống 1.000 hợp đồng cà phê Robusta trên sàn giao dịch với giá từ 2.200 - 2.400 USD/tấn, gây ra thua lỗ khoảng 7 triệu USD chỉ trong vòng 4 tháng..., khiến bất cứ ai đọc được cũng không khỏi giật mình.
Tiếp đó, bức thư này còn tố ông David Phan gian dối kết quả kinh doanh, cố tình đánh lừa ngân hàng để được tiếp tục vay vốn. Thực tế, Tập đoàn Hạnh Phúc của ông Phan đang thua lỗ và mất kiểm soát về an ninh tiền tệ ngoại hối cho Ngân hàng Nhà nước. Ông David Phan cũng tung tin giả về việc có quỹ đầu tư mạo hiểm ở châu Âu định giá công ty 320 triệu USD. Ông ta bịa đặt nhằm tăng uy tín để tiếp tục vay 200 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng nhằm tháo gỡ thua lỗ...
"Vì vậy tôi đề nghị các Ngân hàng Thương mại thẩm định kỹ càng và nên ngừng cho vay đối với Tập đoàn Hạnh Phúc của ông David Phan vì thua lỗ, và còn vì hành vi gian dối thiếu đạo đức trong kinh doanh: Lên kế hoạch lừa dối các Ngân hàng Thương mại về kết quả kinh doanh và uy tín công ty được ông David thổi phồng quá mức... Theo tôi, thanh tra kinh tế và Bộ Công Thương nên thanh tra doanh nghiệp này" - bức thư đề tên người gửi là Trong Nguyen, nhấn mạnh.
Ông Phan Minh Thông được mệnh danh là "vua" xuất khẩu hạt tiêu và là tác giả cuốn sách thứ 3 có tựa đề "Nông sản Việt Nam và Thế giới: Những câu chuyện kinh doanh".
Đó là vài đoạn chúng tôi lược trích trong truyện "Khủng bố tinh thần" - 1 trong 29 truyện trong cuốn sách "Nông sản Việt Nam và Thế giới: Những câu chuyện kinh doanh", được ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh ra mắt mới đây.
Mặc dù nhân vật trong truyện có tên David Phan, nhưng bạn đọc đều hiểu đó là ông Phan Minh Thông - người được mệnh danh là "vua tiêu" Việt với những thành tích nổi bật không chỉ trong ngành hồ tiêu mà cả trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê, quế, hồi, hạt điều... Ông Thông đã kể lại chính những câu chuyện mình đã trải qua trong hành trình kinh doanh, xuất khẩu nông sản hơn 20 năm.
"Bức thư nặc danh nói trên gửi đến đúng lúc tôi đi công tác nước ngoài và khiến tất cả mọi người hốt hoảng, bán tín bán nghi. Ngay khi nhận được email đó, đại diện ngân hàng thương mại mà chúng tôi làm ăn bao năm lập tức gọi điện cho tôi để hỏi rõ thực hư; rồi nhân viên cấp dưới thì lo sốt vó. Nhưng ngay khi bình tĩnh lại, đọc kỹ email thì tôi thấy đó là một vụ vu khống, kích động và đầy thù ghét, nhằm gây mất uy tín của Công ty Phúc Sinh" - ông Thông kể lại với PV Dân Việt.
Tuy nhiên, ông Thông cũng thừa nhận, ngôn ngữ quả là có sức mạnh kinh khủng, đặc biệt là những bức thư bôi nhọ, nói xấu người khác. Nó không chỉ khiến "nạn nhân" cảm thấy "lạnh gáy" mà còn gây ảnh hưởng lớn tới uy tín, danh dự của những người làm ăn chân chính.
"Sao có nhiều người căm ghét người khác thế nhỉ? Sao họ lại ghen ăn tức ở và đầy hận thù với mình như vậy? Mình làm xuất khẩu nông nghiệp và mình luôn sáng tạo, làm cái mới, ít cạnh tranh trực diện nhưng sao họ chỉ muốn mình sụp đổ... Con người thật mềm yếu! Thư nặc danh thôi mà đã sợ hết hồn" - ông Phan Minh Thông đặt câu hỏi trong truyện.
Là người đọc, tôi không khỏi băn khoăn khi thấy ông Thông công khai bức thư tố cáo này trong cuốn sách, thậm chí tiết lộ cả những con số mà nhiều nhà xuất khẩu cho là "bí mật" kinh doanh.
Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, ông Thông nói: "Đó là những câu chuyện khiến tôi ám ảnh trong suốt quá trình kinh doanh của mình và tôi muốn viết ra cho thanh thản. Thị trường xuất khẩu nông sản đầy rẫy chiêu trò, không chỉ là thư tố cáo nặc danh mà thậm chí có những đối tượng lừa đảo đang "Giăng bẫy" (tên một truyện trong sách). Thậm chí tôi không ngại tiết lộ cả hướng xử lí của mình, bởi tôi hi vọng sẽ có nhiều người làm kinh doanh, nhiều startup học hỏi để tránh gặp phải sai lầm đáng tiếc".
Cuốn “Nông sản Việt Nam và Thế giới: Những câu chuyện kinh doanh” in đợt đầu tiên 10.000 bản.
Trong cuốn sách thứ 3 của mình, ông Phan Minh Thông cũng cho biết: "Làm ăn với nước ngoài lâu năm, tôi nhận ra tỉ lệ rủi ro với từng thị trường. Ví dụ, xuất khẩu tới châu Phi cứ 2 hợp đồng dễ bị xù kèo 1 hợp đồng; Trung Đông trả chậm, 100 hợp đồng sẽ mất khoảng 4-5 cái. Riêng với châu Âu, Bắc Mỹ, mỗi năm tôi bán 5.000-6.000 container nhưng chưa trượt cái nào. Buôn bán với châu Phi lo lắng nhất vì nếu chẳng may hàng cập cảng mới biết mình bị lừa sẽ chẳng có cách gì lấy ra được. Ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga, Syria, Pakistan cũng vậy...".
Ông Thông cũng nhấn mạnh khi làm ăn tại thị trường Mỹ: "Việc kinh doanh ở Mỹ cũng rất nhanh, khi guồng quay chạy anh phải chạy thục mạng và khi nó dừng lại, anh cũng phải khẩn trương dừng lại... Tuy nhiên, họ cũng có rất nhiều nét văn hóa mà người Việt Nam sẽ thấy khác lạ và thú vị".
Ông Phan Minh Thông, nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, tập đoàn xuất khẩu nông sản hàng đầu Việt Nam với doanh thu hơn 320 triệu USD/năm.
Điều ông Thông khiến bạn đọc thấy cuốn sách thú vị, hấp dẫn ở chỗ, trong 250 trang, ông dành riêng phần II với 7 câu chuyện để kể về 2 đam mê của bản thân là chơi tranh và viết sách. Ông tự đúc kết ra những "gạch đầu dòng" cho những ai cùng sở thích viết lách, đó là một công việc cần nhiều cảm xúc. Và muốn bán được sách thì nên viết dễ hiểu, giản dị, có câu chuyện hay; tình tiết hấp dẫn; tăng cường chia sẻ trải nghiệm thực tế, đặc biệt sách không nên quá dày.
Có lẽ chính thái độ khao khát cái hay và cái đẹp của "vua tiêu" đã tạo ra bản sắc khác biệt cho Phúc Sinh trên con đường kiến tạo tầm vóc doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Doanh nhân Phan Minh Thông cho rằng: "Phát triển bền vững đã là xu hướng toàn cầu, không thể cưỡng lại. Nếu các nhà máy muốn sản xuất lớn, bán lớn trên thế giới, phải có hoạt động và chứng nhận phát triển bền vững. Nếu muốn vay tiền hay bán cổ phần được giá cho các tổ chức quốc tế, thì ngoài việc tăng trưởng và minh bạch, doanh nhiệp cũng cần xây dựng hệ thống phát triển bền vững".
Trước đó, cuốn sách đầu tay "Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh" xuất bản năm 2017, ông Thông cho biết đến nay đã bán hết 15.000 bản. Cuốn thứ 2 "Vượt lên, những con đường trong kinh doanh" đã được dịch ra tiếng Anh với tựa đề "Overcoming Business Journeys", được phân phối ở hơn 20 nước trên thế giới như Đức, Italy, Australia, Hà Lan, Nhật, Canada, Brazil, Ấn Độ, Singapore, Thụy Điển...
Ông Thông kỳ vọng những cuốn sách này không chỉ kể về hành trình đưa nông sản Việt Nam ra thế giới, mà còn góp phần để lại những bài học thực tế đáng quý cho người làm kinh doanh.